Chúng ta hẳn đã nghe đến lối sống tối giản đang ngày càng thịnh hành trong những năm gần đây. Tối giản không chỉ xuất hiện trong sinh hoạt thường ngày của con người mà còn được áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực khác, và thiết kế nội thất cũng không nằm ngoài xu hướng này. Vậy Minimalism đã ảnh hưởng đến thiết kế nội thất như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Phong cách nội thất Minimalism là gì?

Phong cách nội thất Minimalism (tối giản, tối thiểu) xuất hiện từ những năm 1970, có nguồn gốc từ sự cô đọng của chủ nghĩa hiện đại kết hợp với hậu hiện đại và mang màu sắc thời kỳ đương đại.

Trước tiên cùng điểm qua phong cách Minimalism trong kiến trúc Ludwig Mies van der Rohe(1886 – 1969) vị kiến trúc sư người Đức là bậc thầy của kiến trúc hiện đại thế giới, ông được biết đến như cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản. Những công trình của Mies van der Rohe trong thời gian này đã đặt nền móng cho kiến trúc tối giản, với những không gian đơn giản, trong sạch, tinh tế và trật tự, sử dụng những mặt phẳng, đường thẳng, góc vuông,…

Phong cách tối giản có nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của chủ nghĩa Hiện đại, được kết hợp với chủ nghĩa Hậu hiện đại và được xem như phản ứng đối ngược lại với chủ nghĩa Biểu hiện trong nội dung cũng như trong bố cục tác phẩm.

Kiến trúc Minimalism có nội dung và bố cục đối lập nhau theo nguyên tắc “Less is more” (tạm dịch: ít nhưng lại là nhiều, càng ít càng tốt) – có thể hiểu là đi đến tận cùng của sự đơn giản, đơn giản hết mức có thể.

Tại Phương Đông, Nhật Bản được coi là quốc gia tiên phong của phong cách tối giản. Phong cách Minimalism hiện diện trong phần lớn kiến trúc Nhật Bản, từ các công trình mang âm hưởng truyền thống đến kiến trúc hiện đại. Một trong những vị kiến trúc sư góp phần ghi đậm dấu ấn phong cách tối giản ở Nhật Bản đó là Tadao An do, những công trình của ông là những tác phẩm nghệ thuật của không gian và ánh sáng.

Kiến trúc tối giản có sự tương đồng với văn hóa và Thiền (Zen) Nhật. Zen nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trầm tư mặc tưởng, truyền tải những tư tưởng tự do tạo nên không gian mang tính Thiền.

Kiến trúc Minimalism hướng tới giá trị của không gian, tạo lập không gian khúc chiết, cô đọng, tràn ngập ánh sáng và thoáng đãng. Sự đơn giản của chi tiết kiến trúc, hình thức tổng thể, đem lại tính tập trung cho không gian, đưa không gian thành nội dung chủ đạo. Chính không gian tạo nên cảm xúc chứ không phải từ đồ đạc hay chi tiết trang trí.

Xét về mặt hình thức thuần túy, đôi khi kiến trúc tối giản có thể tạo sự đơn điệu, khô cứng, tuy nhiên thay vì chỉ nhìn và đánh giá qua cái vỏ bề ngoài chúng ta cần phải cảm nhận, cần có tư duy rộng mở và sự khám phá. Chỉ khi có thể hiểu rõ chính mình, hiểu được bản ngã của mình gia chủ mới có thể gắn bó và thực sự làm chủ ngôi nhà phong cách Minimalism.

Ánh sáng là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc và đặc biệt có ý nghĩa hơn với kiến trúc tối giản, nhất là ánh sáng tự nhiên. Trong kiến trúc tối giản, vì những chi tiết, màu sắc hạn chế nên ánh sáng trở thành chủ đạo để tạo giá trị thẩm mỹ thông qua hiệu ứng thị giác. Ánh sáng làm nổi bật hình khối kiến trúc, nội thất, nhấn mạnh những thành phần chính, hoặc dẫn tuyến tạo nên những bóng đổ theo ý đồ,…

Những nguyên tắc của phong cách tối giản trong thiết kế nội thất 

Less is more – Ít là nhiều: phong cách tối giản đúng như tên gọi của nó, chú trọng việc giảm thiểu đến tối đa việc trang trí trong không gian nội thất. Đi ngược lại các tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền thống về việc làm phong phú không gian bên trong với các vật dụng và chi tiết trang trí phức tạp phong cách này hướng đến việc loại các vật dụng thừa thãi nhằm giữ lại một không gian trống hoàn hảo. Chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm cũng như phong cách thiết kế và trang trí Nhật Bản, đồng thời được xây dựng trên nền tảng triết lý “Less is more”, việc trang trí nội thất theo phong cách Minimalism hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới. Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng trên các mặt phẳng này chính là những yếu tố quan trọng làm nên phong cách tối giản. Sử dụng những đường nét đơn giản và sự kết hợp có tính toán của các mặt phẳng, không gian nội thất theo phong cách này là một tổng thể thống nhất, chặt chẽ về bố cục và nhất là giữ lại được một không gian kiến trúc đẹp, thoáng đãng, rộng rãi.

Sự sử dụng hạn chế về màu sắc trong trang trí là đặc trưng dễ nhận diện nhất của phong cách này. Thông thường, có không quá ba màu trong không gian nội thất theo phong cách minimalist style: một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn. Màu sắc của các mảng tường là màu trung tính nhằm tạo ra một phông đệm cho các vật dụng trang trí bên trong, hướng sự chú ý của người quan sát đến những điểm nhấn quan trọng. Phông màu trung tính cũng có tác dụng tạo sự tương phản mạnh mẽ giữa các thành phần trang trí và có tác dụng tạo sự tương phản mạnh mẽ giữa các thành phần trang trí và có tác dụng kết nối các thành phần này lại với nhau. Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ biến trong phong cách Minimalism như một phông nền trơn nhằm tăng giá trị các đồ đạc xung quanh, đồng thời mang lại hiệu quả thị giác về một không gian rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn. 

Dùng ánh sáng làm nội thất: do hạn chế sử dụng màu sắc trong nội thất, ánh sáng trong phong cách Minimalism được xem như một thành phần trang trí quan trọng để tạo ra các hiệu ứng thị giác và thẩm mỹ. Việc sử dụng ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên, được chú trọng nhằm nhấn mạnh các khu vực quan trọng và tạo ra bóng đổ với hiệu quả cao để tôn lên các hình khối của vật dụng và các thành phần kiến trúc khác. Ánh sáng tự nhiên được lọc qua các rèm cửa, các bình phong chắn, xuyên qua các tán cây bên ngoài một cách có chủ đích để khi xuyên vào đến không gian bên trong đạt được hiệu quả chiếu sáng và thẩm mỹ mà người thiết kế đã định hướng trước. Ánh sáng nhân tạo được chọn lọc một cách cẩn thận để nhấn mạnh được hình dạng và cấu trúc của các thành phần trang trí nội thất.

Các thành phần trang trí nội thất cũng như vật dụng, bàn ghế được sử dụng ở mức độ tối giản, nhưng vẫn đáp ứng được đòi hỏi về tiện nghi sử dụng. Bàn ghế trong nội thất theo phong cách Minimalism đều có hình dạng đơn giản, hài hoà và hiện đại, được làm nên từ các đường nét không cầu kỳ nhưng tinh tế. Các vật dụng này một mặt đáp ứng được nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của con người, mặt khác cũng chính là những thành phần trang trí cho nội thất bên trong. Bàn ghế không chỉ là nơi để ngồi mà còn được xem là những tác phẩm điêu khắc làm nên nét đẹp cho không gian bên trong.

 

Xây Dựng Thành Nam sẵn sàng phục vụ quý khách
Cô chú anh chị có nhu cầu xây nhà, sửa chữa cải tạo nhà cũ vui lòng gọi ngay cho Thành Nam để được phục vụ

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon